Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí: Hãy biến khát vọng thành hành động nhiệt huyết thanh xuân

Đạo diện Đặng Lê Minh Trí từng ghi dấu ấn với nhiều chương trình nghệ thuật trong đó nổi bật nhất vừa qua là chương trình nghệ thuật Khát vọng hòa bình đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả trong nước và nhiều người Việt Nam tại nước ngoài. Đây là chương trình nghệ thuật thực cảnh kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 do Đặng Lê Minh trí làm tổng đạo diễn.

Với kinh nghiệm 15 năm trong nghề, đạo diễn Minh Trí đã cùng ê kíp đã tạo nên một chương trình ấn tượng, với ý tưởng sáng tạo và sự kết hợp của công nghệ hiện tại cùng thủ pháp nghệ thuật độc đáo.

Chia sẻ với VTV News về chương trình ý nghĩa trên, vị đạo diễn cho hay, ý tưởng chương trình đến với anh trong một lần đi khảo sát. Đứng trên tháp chuông ở bờ Nam sông Thạch Hãn, anh nhìn thấy một trục thẳng xuyên suốt kết nối những biểu tượng khắc họa và tôn vinh tinh thần của thế hệ ngày đó gồm: Tháp chuông hai bờ – Thành Cổ – Quảng trường Giải phóng – Bến thả hoa bờ Nam – Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn.

“Tôi chợt nghĩ liệu có thể làm được một cây cầu ánh sáng để gắn kết trục tâm linh này hay không? Ý tưởng thoáng qua nhưng ngay sau đó trở thành quyết tâm phải thể hiện bằng được. Tôi đã dành thời gian thảo luận với biên kịch và ê kíp nội dung trong nhiều ngày để đưa ra phương án hiệu quả nhất”, đạo diễn Minh Trí nhớ lại.

Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí và ekip thực hiện chương trình “Khát vọng hoà bình”

Theo đạo diễn, đây là một tiết mục vô cùng công phu, không chỉ huy động số lượng lớn diễn viên và đạo cụ tham gia mà còn phải khớp nối với nhau chính xác đến từng chi tiết. Hơn nữa, để đảm bảo ý nghĩa trọn vẹn, những người thực hiện, ngoài lực lượng biểu diễn chuyên nghiệp, còn phải có sự tham gia của các cựu chiến binh và những người lính quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay.

Điểm nhấn của chương trình bắt đầu từ hồi chuông đồng vọng trên tháp chuông hai bờ do chính những người lính năm xưa từng chiến đấu tại đây gióng lên, sau đó ánh sáng từ hàng trăm ngọn nến trên tay các diễn viên mà phần nhiều là các đoàn viên thanh niên của tỉnh. Tiếp đó là sự tái hiện bước đi “trở về từ dòng sông” của các anh linh nay đã nằm lại dưới dòng sông huyền thoại qua phần mô phỏng của các chiến sĩ quân đoàn và rồi hiệu ứng ánh sáng vắt ngang sông nối liền hai bờ.

Sự chuyển động của đài sen thể hiện khát vọng chung duy nhất của hàng ngàn chiến sĩ trong những tháng năm oanh liệt đó. Khát vọng ngày mai thanh bình, ngát hương đến muôn đời sau. Thủ pháp đồng diễn và công nghệ ánh sáng tương tác đã được ê kíp phối kết hợp liên tục.

“Thông điệp chúng tôi muốn gửi tới qua tiết mục này chính là mạch nối giữa quá khứ – hiện tại – tương lai. Chúng ta hãy dành sự ngưỡng vọng đến hương hồn các liệt sĩ đã ngã xuống để quê hương thanh bình, non sông nối liền một dải, để giờ đây mỗi bước chân đi qua hai bờ Nam Bắc thấy yêu biết bao đất nước Việt Nam anh hùng”, đạo diễn Minh Trí giải thích.

Nói về khó khăn lớn nhất của ê kíp khi thực hiện chương trình, anh cho biết, đó là phần dàn dựng sân khấu và tập luyện biểu diễn. Đây là không gian thực cảnh đồng thời cũng là những chứng tích lịch sử gắn với quá khứ hào hùng bi tráng của dân tộc. Mỗi một sự tạo tác, sắp xếp đều phải tính toán tỉ mỉ chi tiết để không ảnh hưởng đến nguyên trạng của vùng đất thiêng liêng này.

Sau thành công lớn của Khát vọng hòa bình, đạo diễn Minh Trí bật mí đã xây dựng khá nhiều ý tưởng, dự án nghệ thuật đặc biệt trong những năm qua nhưng do bối cảnh dịch bệnh và một số điều kiện khách quan khác nên chưa bắt tay thực hiện được. Một trong số này là chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ngàn năm gấm hoa” dự kiến tổ chức ở Hà Nội. Chương trình sẽ có những phần trình diễn tái hiện dòng chảy đất địa linh nhân kiệt xưa và nay, tôn vinh các giá trị văn hóa nền tảng của Việt Nam, đồng thời đưa thủ đô thành điểm hẹn hội tụ của văn hóa trên cả nước và quốc tế.